Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này còn rất thấp, thậm chí còn thấp hơn so với một số nước trong khối ASEAN.

Sản xuất khay nhựa, hộp nhựa đựng linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm… nên đã kìm hãm sự tăng trưởng của ngành này ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Để ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Hà Nội cần tập trung triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…

Mặc dù, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 900 doanh nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; trong đó, 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. UBND thành phố Hà Nội cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp, tận dụng được tiềm năng phát triển của Thủ đô.
Trong thời gian qua, đã có hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp khi tham gia Chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng số doanh nghiệp được nhận sự trợ giúp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chưa nhận được các trợ giúp trực tiếp từ thành phố còn rất lớn. Các hoạt động trợ giúp chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao và thiết thực chưa nhiều. Sự chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột phá, thay đổi về chất trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn rất ít….
Khi nhận định về sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dệt may Minh Thanh (quận Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng, phụ kiện, hàng dệt may… hàng năm đem về cả trăm tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng rất thấp do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Có thể thấy, nguyên nhân quan trọng nhất là chính sách, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng quan điểm này, chị Lê Minh Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại da giày Minh Ánh chia sẻ, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách cởi mở tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn… Nhưng những quy định tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn còn thiếu.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. Để làm được việc này, rất cần có các chương trình xúc tiến, trong đó chính quyền vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ và cũng chỉ dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp… Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ đạt 5-20%; ngành điện tử 5-10%; ngành da giày khoảng 30%…
Trong khi đó, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xem là chìa khóa để phát triển sản xuất công nghiệp cho nên Hà Nội cần đưa ra các cơ chế chính sách sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm và cụ thể rõ ràng hơn trong thời gian tới để trợ giúp nhiều hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung phát triển. Bên cạnh đó, để có thể nâng tầm doanh nghiệp cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thì việc hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là yếu tố vô cùng quan trọng.
Về phía các doanh nghiệp phụ trợ muốn trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm sự đầu tư về công nghệ, cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Để đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác nước ngoài, Nhà nước, các hiệp hội và bản thân doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn nữa đến vấn đề này. Doanh nghiệp “nội” cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm…
(Theo TTXVN)